
"Mái ấm chùa Từ Ân – Câu chuyện của nắng tháng tư"
Những ngày đầu tháng tư nhiều nắng, tôi được may mắn cùng các anh chị trong công ty đến thăm Mái ấm Chùa Từ Ân. Sau mỗi chuyến đi, nó cứ vô hình để lại trong tôi một cảm giác hoàn toàn khác.
Đây không phải là chuyến thiện nguyện đầu tiên tôi tham gia nhưng lại là chuyến đi để lại trong tôi nhiều xúc cảm rất lạ. Và cũng có lẽ, đây là lần đầu tôi viết cảm xúc của mình ra thành lời như thế này.
Đã hàng trăm lần, tôi tự hỏi liệu mình đã thật sự hạnh phúc? Dù trước kia hay hiện tại, "hạnh phúc" là 2 từ tôi chưa bao giờ định nghĩa được. Khi tôi mệt mỏi hay bế tắc, tôi thầm trách tại sao bản thân lại không có cuộc sống suôn sẻ như người khác. Ở đây, tôi thỉnh thoảng so sánh mình với những người xung quanh, nỗi ganh tị rất đỗi mơ hồ đó thỉnh thoảng vẫn hiện diện, vì lý do gì tôi cũng không hiểu nữa. Nhưng tôi biết, ở một nơi nào đấy, có những người luôn ao ước có được cuộc sống giống tôi. Có lẽ nơi đó, chính những đứa trẻ đó, hơn ai hết mong ước được cười đùa và lớn lên trong vòng tay của Cha Mẹ - Ừ, giống như tôi.
Sau chuyến đi, mỗi ánh mắt, nụ cười của các em vẫn còn đọng lại trong lòng tôi, trong lòng rất nhiều anh chị em khác. Đến hôm nay, trong tôi vẫn còn hiện diện nụ cười của cậu bé ấy. Cái cách em đứng nhìn tôi từ xa, cách em chầm chậm tiến đến dưới chân tôi rồi giang rộng đôi tay nhỏ bé của mình với vẻ mặt rất ngây ngô. Cái cách em ôm chặt cổ tôi rồi tựa đầu vào cánh vai, bất chợt tôi nhận ra mình đã hạnh phúc như thế nào. Em không biết tôi, chưa từng nhìn thấy tôi, cũng không hề rõ tôi là người tốt hay kẻ xấu. Tất cả mọi thứ trong tầm mắt em, tôi là người đưa cho em một hộp sữa nhỏ, là người sẵn sàng ôm em khi em mong ngóng. Trong mắt em, có lẽ tôi chỉ là một chị gái nào đó giống như những người khác hay đến thăm các em. Nhưng, em trong tôi là đứa trẻ tốt bụng sẵn sàng nhường bịch bánh duy nhất trên tay mình cho một bé gái nhỏ hơn và cười rất tươi khi tôi hôn em rồi nói "Ngoannn". Trong tôi, em là cậu bé thà căng mắt thức để được nằm trong vòng tay chúng tôi chứ nhất quyết không dám ngủ vì sợ phải bị mang đi. Vậy mà hai mắt bé tí ấy vẫn nhíu lại, nhíu lại từng chút rồi rúc đầu sát vào lòng chúng tôi.
Đứa trẻ ấy, tôi hy vọng em sẽ tìm thấy một gia đình nhỏ thật sự yêu thương em. Ở nơi đó, mong sẽ có người sẽ sẵn sàng cho em một vòng tay khi em cần. Sẽ có người biết cách dạy em "đừng đánh vào mặt người ẵm con, sẽ đau đấy, con phải vuốt nhẹ mặt cô thế này nè" như tôi, rồi họ sẽ thấy em dịu dàng làm theo như thế nào. Thật đấy, thật sự rất dịu dàng.
Đến hôm nay, tôi vẫn còn chạnh lòng khi nhớ về em. Tôi thấy được em khi đã bắt đầu quen dần với những đứa trẻ. Em không giống với cậu bé có nụ cười toả nắng như tôi vừa kể. Em đứng đó, khóc lóc với miệng mũi đầy máu đỏ. Tôi vẫn nhớ khoảnh khắc tôi chạy đến bên em, hỏi han đủ điều vì em rất kiệm lời, chỉ rụt rè chỉ tay về hướng đám đông khi tôi muốn biết ai đã làm đau em. Tôi vẫn còn nhớ mặt mình nóng lên vì nước mắt như nào khi nhận ra em đã sợ sệt siết rất khẽ bàn tay tôi. Cậu bé ấy đi theo tôi dọc cả dãy hành lang, bàn tay nhỏ bé cầm tấm bìa cuốn sách đã bị xé nát vì tranh giành, tay còn lại thì nằm lọt thỏm trong tay tôi cùng với sự tin tưởng. Tôi đoán thế.
- Em đau không? Đau thì nói chị nha.
- Em súc miệng rồi nhổ ra nghen. Có máu nên đừng nuốt.
- Em có bị gãy răng không? Há miệng chị xem.
- Em có hay bị đánh không?
Không gật đầu, cũng không lắc. Không một câu trả lời. Em chỉ im lặng ngoan ngoãn làm theo lời tôi, kiên nhẫn từng chút một, bàn tay nhỏ xíu vẫn chưa từng buông tay tôi. Đứa trẻ ấy, quả thật rất đẹp. Cách em lễ phép từ chối bịch bánh tôi trao. Cách em nhìn tôi rồi gật đầu khi tôi nói. Bất giác cúi chào khi tôi hôn lên đôi má em. Thật lạ. Có lẽ, cái em cần là nhận được sự quan tâm, là nơi em đặt vào đó sự tin tưởng.
Những đứa trẻ ấy đáng nhẽ phải được sống trong vòng tay của Cha Mẹ, sẽ được ăn thật ngon, ngủ thật ấm và được bảo vệ an toàn thay vì nháo nhào lên xin những hộp sữa chua nhỏ hay chịu đựng những trận đòn vô lý. Những đứa trẻ ấy thậm chí còn quá ngây ngô để hiểu rõ được 2 chữ "mồ côi". Các em bị bỏ lại chỉ vì sinh ra không nhận được tình thương, nhưng cũng lại sống và lớn lên nhờ tình thương của những người tốt bụng không máu mủ. Liệu đến bao nhiêu tuổi, 7, 13 hay 15 tuổi? Cho các em nhận ra rằng bên ngoài có rất nhiều khó khăn cạm bẫy, để rồi thứ duy nhất các em mong muốn quay trở về là "nhà", là "gia đình", là mong ước được sà vào lòng Cha Mẹ để cười đùa hay nức nở.
Tôi không thể ôm hết những đứa trẻ thiếu thốn tình thương tại nơi đó, cũng như không thể hiểu hết các em đang trải qua những gì. Các em vừa chào đời đã bị mặc định cho mình là những sinh linh bé nhỏ và tội nghiệp, vừa chào đời đã sống e dè vì ánh mắt của người khác. Nụ cười các em vẫn rất sáng, rất ngây thơ. Nhưng chính những ngây ngô đó lại như đánh thức tâm hồn những người lớn như chúng tôi.
Tôi không dám oán trách những ai bỏ rơi các em, vì chính họ rồi sẽ phải chịu những dày vò của riêng mình. Nhưng tôi biết ơn những tấm lòng hảo tâm của những người yêu thương các em. Vì để lo lắng, giúp đỡ cùng lúc cho hơn 100 đứa trẻ là điều thật sự không dễ dàng.
Đứng trước những đứa trẻ ấy, tôi xấu hổ vì không thể giúp được nhiều cho các em, xấu hổ vì không biết trân trọng cuộc sống của chính mình. Tôi có đầy đủ Mẹ Cha để được yêu thương, lớn lên trong sự chăm sóc và vun vén. Còn các em ở đây thì không, trong từng ánh mắt ấy, tôi cảm nhận mong ước tha thiết được sống trong vòng tay yêu thương của gia đình đến dường nào.
Những đứa trẻ ấy rồi sẽ có lúc lớn lên, sẽ có lúc đối mặt với nhiều thứ hơn hiện tại. Tôi hy vọng các em đủ mạnh mẽ, đủ hiểu chuyện để biết cách nhận và trao đi những yêu thương. Vì tôi tin, nơi này sẽ giúp các em có được tình thương bao la ấy.
Cảm ơn ánh mắt và nụ cười. Cảm ơn chuyến thiện nguyện đầu năm nhiều ý nghĩa. Cho tôi hiểu và cảm nhận được nhiều hơn về may mắn của bản thân mình.
Từ Ân phương xa, tạm biệt nhé,
Tặng em yêu thương, giữ nỗi niềm…
PHẠM THỊ XUÂN LINH