

Chương trình thiện nguyện cuối năm của công ty VINATEL tại TP.Cần Thơ
HUYỆN CỜ ĐỎ-TP.CẦN THƠ, KÝ ỨC TRONG TÔI
Bước qua thềm năm cũ Đinh Dậu để đón chào một năm Mậu Tuất sắp đến, công ty Vinatel có tổ chức chương trình thiện nguyện dành cho các hộ gia đình nghèo tại huyện Cờ Đỏ thuộc thành phố Cần Thơ. Mọi người tập trung ở công ty lúc 5h sáng để chuẩn bị khuân quà lên xe. Từng người từng người xếp thành hàng lối ngay ngắn nối đuôi nhau truyền từng thùng mì lên xe, không khí nhộn nhịp hòa lẫn với tiếng nói tiếng cười xen khẽ làm phá vỡ bầu không khí yên tĩnh của buổi sáng tinh mơ.
Chuyến xe bắt đầu lăn bánh lúc 5h30 sáng từ TP.HCM đến huyện Cờ Đỏ thành phố Cần Thơ khoảng hơn 10 giờ sáng. Trong suốt cuộc hành trình Hòa có giới thiệu sơ cho mọi người được biết thêm thông tin về thành phố Cần Thơ vùng đất trẻ dọc tây sông Hậu với tài nguyên phong phú. Ngoài ra, ông bà ta cũng có câu ca dao vẫn còn đươc lưu truyền cho tới ngày nay.
“ Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó lòng không muốn về”
Để đến được huyện Cờ Đỏ, chúng tôi phải đi ngang qua huyện Ô Môn được xem là huyện giàu nhất TP. Cần Thơ, huyện được miêu tả như sau “Ô Môn lúa tốt đầy đồng. Vàm Nhon, Ba Mít đượm nồng ý thơ”. Đối lập huyện Ô Môn là huyện Cờ Đỏ được xem là một trong những huyện nghèo nhất TP. Cần Thơ, huyện nằm ở ngoại thành của thành phố Cần Thơ, cơ sở vật chất và hạ tầng trên địa bàn huyện còn rất hạn chế. Đặc điểm dễ nhận dạng của huyện cờ đỏ là trước mỗi nhà có một cây cột để treo lá cờ tổ quốc màu đỏ của dân tộc Việt Nam đó là lý do tại sao người dân nơi đây gọi là huyện cờ đỏ
Khoảng tầm hơn 10 giờ, xe chúng tôi dừng chân tại ủy Ban huyện cờ đỏ để bắt đầu công việc thiện nguyện. Team chúng tôi được phân bổ khoảng 5 người đi chung với chú Hoàng trưởng ấp (thuộc ấp thới hiệp 2, xả đông thắng, huyện cờ đỏ) để tới thăm 7 hộ nghèo.
ẤM ÁP TÌNH NGƯỜI
Trong các hộ nghèo mà tôi tình cờ ghé thăm có vài hộ làm tôi cảm thấy xao xuyến, bồi hồi xúc động nhất đó là hộ của một bà lão bị mù tuổi ngoài 80 tuổi, sống đơn độc trong một căn nhà, chồng chết và cũng không có con cái. Khi Tôi bước vào thấy bà đang loay hoay ở ngoài chậu nước đang mò mẫn để rửa mặt hay làm gì đó, Tôi dìu Bà vào trong nhà và hỏi thăm tình hình hiện tại rằng, Bà ơi! Bà không thấy đường thì những sinh hoạt hằng ngày của Bà như thế nào ạ! Bà trả lời rằng” Cô ơi! Tôi bị mù có thấy đường đâu, mỗi lần muốn đi đâu thì mò mẫn hoặc bám vào vách tưởng để đi thôi Cô, nhiều lúc Tôi muốn chết quách đi cho rồi, không muốn sống trên đời này nữa.
Nghe xong lời chia sẻ của Bà, Tôi bắt đầu cảm thấy nghẹn lại trong cổ họng. Bà còn kể thêm rằng “Nhiều lúc Tôi đói tay Tôi vô tình sờ được cái gì đó tưởng là đồ ăn thỉ bỏ vô miệng, ai ngờ đó là con thằng lằn, hoặc con gián . Tôi ở đây có một mình, thỉnh thoảng có cô hàng xóm kế bên sang nấu ăn và đi chợ giúp Tôi, tiền nhà nước cho một tháng khoảng sáu trăm ngàn đồng tôi đưa cho cô ấy giữ giùm để lo sinh hoạt hoặc mua đồ lặt vặt giúp Tôi” Tôi không biết nói gì hơn, trong bụng chỉ thầm cảm ơn cô hàng xóm tốt bụng đã giúp đỡ Bà. Ở vùng quê nghèo bình dị ấy, người dân mộc mạc chân chất tối lửa tắt đèn vẫn còn có nhau.
Căn hộ tiếp theo chúng tôi ghé thăm là nhà hai vợ chồng già tuổi ngoài 80, Ông thì ngồi trên võng đong đưa đang uống cà phê, Bà đang ngồi tám chuyện câu chuyện đời thường với Ông. Khi thấy đoàn tôi vào, Bà liền đứng dây và mời chúng tôi vào nhà chơi. Tôi hỏi thăm “Bà đang làm gì vậy? Bà và Ông đã ăn gì chưa?” Bà nói rằng “ Bà với Ông ăn rồi, hai vợ chồng gia đang ngồi tám chuyện chơi, Ông bị tai biến mấy năm nay rồi, nữa phần dưới của Ông bị liệt không thể di chuyển được, mỗi lần đi vệ sinh hoặc đi ngủ Bà đều nhờ người bế Ông”cũng may là con Bà thằng Tư nhà nó nằm sát kế bên nhà Bà.
Tôi đi vào bên trong để tham quan chỗ Ông Bà ngủ đó chỉ là một cái giường gỗ, hai cái gối, một tấm mùng treo lơ lửng, xung quanh nhà được che chắn bởi những tấm tôn do nhà nước mới dựng cho nhà Bà. Khi Ông thấy chúng tôi tới, gương mặt Ông bồi hồi xúc động, nước mắt Ông khẽ rơi xuống trên hai gò má, đôi mắt suy tư với nhiều nếp nhăn theo thời gian. Tôi không dám hỏi thêm chỉ thầm chúc Ông Bà có nhiều sức khỏe để sống với nhau đến trọn đời. Hạnh phúc của Ông Bà đơn sơ và bình dị quá, chỉ cần cùng nhau ngồi trò chuyện và hủ hỷ ngày qua ngày cũng làm Ông Bà cảm thấy hạnh phúc.
Căn hộ cuối cùng mà chúng tôi ghé thăm đó là gia đình của cặp vợ chồng nghèo nằm tuốt phía trong ruộng, chú trưởng ấp nói đi khoảng một cây số mới tới nơi, Đoàn chúng tôi khoảng ba chiếc xe, mỗi xe đèo một người để bắt đầu cuộc hành trình đi vào trong ruộng, đường đi vào không quá to cũng không quá nhỏ chỉ vừa đủ cho hai chiếc xe máy chạy vào, dọc hai bên đường được trồng những cây xoài đã gần chín mọng. Tôi cảm nhận được không khí làng quê thật trong lành khác với bầu không khí ô nhiễm và đầy khói bụi ở thành phố.
ĐI ĐỂ CẢM NHẬN
Chúng tôi lái xe qua một cây cầu gỗ, xe tôi là người dẫn đoàn chạy trước để băng qua cây cầu tôi phát hiện phía bên kia cây cầu là một dãy đất chỉ toàn là ruộng, lúa mọc xanh ngắt cả cánh đồng nhìn giống như một bức tranh đồng quê sinh động khiế tôi phải thốt lên hai từ “ ĐẸP QUÁ”. Hai xe phía sau không hiểu tôi đang nói gì thì tài xế xe thứ hai lái xe qua được giữa cầu, loay hoay làm rớt thùng mình xuống phía dưới cầu, thế là anh tài xế phải dừng xe lại mà leo xuống cầu để vớt thùng mì lên .
Chúng tôi phải để xe ở bên ngoài để lội bộ vào bên trong, đường mòn vào bên trong gồ gề với đường đất sét được bồi đắp để tạo thành một lối đi, một bên là ruộng và một bên là sông với đầy lá lục bình, chúng tôi lội bộ khoảng hơn 10 phút mới tới nơi, điều làm tôi ấn tượng nhất là thấp thoáng bên trong đó là xuất hiện một căn hộ nghèo nằm phía trong một cánh đồng hiu quạnh. Thấy chúng tôi tới thì cô Tám, đứa con gái và cháu gái chạy ra đón tiếp, cô mang ra một ca trà đá mời chúng tôi uống và mời cả đoàn ngồi lại chơi
Cô kể rằng nghề mưu sinh chính của cô là đi mầm ruộng cho những hộ giàu xung quanh, cô có nuôi thêm cá và vịt để bươm trải cho mọi sinh hoạt hằng ngày, căn chòi cô đang ở được dựng tạm trên miếng đất trống của người khác, chứ thật ra không phải đất của Cô. Chúng tôi ngồi chơi với Cô một chút, gửi lời chúc sức khỏe và tạm biệt cô để ra về. Trước khi đi, Cô còn tặng cho chú trưởng ấp một ít cá linh để mang về nhà dùng.
Đoàn chúng tôi đã không quên lưu lại một vài tấm hình lưu niệm cùng cảnh đẹp hoang sơ tại ấp thới hiệp 2, xã đông thắng, huyện cờ đỏ. Người ta thường nói, có đi có trải nghiệm, có đi mới biết được lòng người và có đi mới cảm nhận hết được tấm chân tình mộc mạc của người dân nơi đây. Bữa ăn hằng ngày của họ tuy đạm bạc với vài con cá được bắt ngoài sông, một chút rau luộc được hái ngoài vườn, một chút nước tương ăn kèm … cả nhà cùng nhau ngôi quây quần ăn cơm trò chuyện tán ngẫu như hạnh phúc thì biết bao.
Khi xe của đoàn chúng tôi về lại ủy ban nhân dân huyện Cờ Đỏ, chúng tôi được bên ủy ban đãi một bữa trưa thịnh soạn với nhiều món ăn dân giã được gọi là đặc sản của thành phố Cần Thơ gồm món lẩu cua đồng, thịt luộc, gà hấp hành, bò xào…..Món ăn tuy đơn giản như thật sự ăn rất ngon. Chúng tôi có một bữa trưa thật vui vẻ với các Anh Chị tại ủy Ban huyện Cờ Đỏ.
Khoảng hai giờ, chúng tôi xin phép để về lại Sài Gòn, xe chúng tôi bắt đầu lăn bánh và về lại công ty khoảng tầm hơn 8 giờ tối, mọi người có vẻ đã thấm mệt nhưng thoáng qua gương mặt của từng người tôi thấy một niềm vui khó tả và cũng như có một chút gì đó lưu luyến về huyện cờ đỏ thuộc thành phố Cần Thơ.
VINATEL CORP-0915 517 735
Email: marketing@vinatel.com.vn